Giúp trẻ phát triển tư duy và tình cảm từ hoạt động tạo hình

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cô giáo Nguyễn Thị Nam (Trường mầm non Hạ Long – TP Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, giúp trẻ phát triển tư duy và tình cảm.

Kết hợp nhiều phương pháp giáo dục

Theo cô Nam, xuất phát từ đặc điểm phát triển của trẻ đó là vui chơi là hoạt động chủ đạo, tư duy của trẻ là tư duy trực quan hành động nên khi hướng dẫn trẻ hoạt động tạo hình giáo viên cần phải phối kết hợp các phương pháp trong quá trình dạy trẻ hoạt động tạo hình như: Phương pháp trực quan, đàm thoại, trò chơi…

Cần cho trẻ quan sát đối tượng (bằng tranh ảnh hoặc vật thật) cùng với lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu giúp cho quá trình thực hiện của trẻ dễ dàng.

Sau khi đã cho trẻ quan sát về đối tượng, giáo viên cần sử dụng hệ thống câu hỏi để trẻ trả lời, quá trình này giúp trẻ khắc sâu về đối tượng. Trong quá trình thực hiện giáo viên kết hợp với biện pháp trò chơi.

Ví dụ: Giáo viên tổ chức cho bé hoạt động theo đề tài “Xé dán vườn cây ăn quả”. Với đề tài này cô kết hợp trò chơi “gieo hạt”. Hoặc chơi trò chơi “Gió biển và phi lao”, cô làm gió biển còn trẻ làm cây phi lao, gió thổi nhẹ cây lay nhẹ, gió thổi mạnh cây nghiên ngả.

Qua trò chơi trẻ được vận động làm phát triển các cơ tay, khủy tay. Đồng thời, giáo viên cần sử dụng những lời nói vui tươi, dí dỏm kết hợp với cử chỉ điệu bộ minh họa và thể hiện nét mặt để gây sự chú ý cho bé.

Như vậy để giờ học được sôi nổi, trẻ hứng thú, sáng tạo giáo viên cần phải kết hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn và linh hoạt các biện pháp nêu trên.

Tổ chức hoạt động theo ý thích của học sinh

Theo cô Nam, góc tạo hình là góc để trưng bày sản phẩm đẹp, có sáng tạo của trẻ, để trử được hoạt động theo ý thích. Đồng thời giúp trẻ có thêm kỹ năng mới hay ôn luyện các kỹ năng tạo hình đã học.

Để tổ chức tốt góc tạo hình, giáo viên cần phải xây dựng góc tạo hình đảm bảo nguyên tắc gần cửa sổ, gần nơi có nguồn nước và trang trí sao cho trẻ thấy ấn townjg, hứng thú với góc chơi.

Bên cạnh đó, cô cũng cần phải chuẩn bị cho trẻ đồ dùng học liệu để trẻ hoạt động tạo hình thật phong phú, đa dạng, an toàn, luôn để ở trạng thái mở, dễ nhìn, dễ lấy khi trẻ cần sử dụng.

Đồ dùng nguyên vật liệu đó phải tạo được cảm xúc, kích thích trẻ hoạt động. Để góc tạo hình thêm phần sinh động, hấp dẫn trẻ giáo viên phải thường xuyên thay đổi những bức tranh, bài vẽ, sản phẩm nặn, sản phẩm xé dán theo chủ đề, đổi mới cách trình bày trang trí góc phù hợp với nội dung của từng chủ đề.

“Để tổ chức cho trẻ hoạt động ở trong góc tạo hình tốt giáo viên cần khơi gợi cảm xúc cho trẻ, khơi gợi ý tưởng, gợi ý cách tạo sản phẩm, đánh giá sản phẩm, trưng bày sản phẩm tạo hình của trẻ ở góc tạo hình, ở bảng trưng bày sản phẩm” – Cô Nam trao đổi.

Cũng theo cô Nam, giáo viên phải nắm vững phương pháp của từng bộ môn, từng hoạt động, đồng thời phải có lòng say mê, yêu nghề, mến trẻ.

Với các môn học mang tính nghệ thuật như: Tạo hình, văn học, âm nhạc, giáo viên phải có năng khiếu cùng với sự khổ luyện, rèn giũa học tập không ngừng để luôn đem đến cho trẻ sự mới mẻ, hứng thú ham thích được hoạt động, được tạo ra cái đẹp.

“Từ kinh nghiệm của tôi cho thấy, khi thực hiện quá trình giáo dục, giáo viên phải chú ý đến tính vừa sức cũng như tính cá biệt đối với trẻ. Không đánh đồng trong yêu cầu cũng như trong đánh giá đối với trẻ để trẻ luôn cảm thấy tự tin, hứng thú trong hoạt động. Khi trẻ được khích lệ đúng mức thì hoạt động sẽ lại kết quả tốt” – Cô Nam chia sẻ.

Minh Phong