Ia H’Drai: Hành trình đưa con chữ lên vùng biên giới
Lượt xem:
Vượt qua những gian nan, trắc trở trong công tác dạy và học, trên hành trình đi gieo chữ, các thầy cô giáo tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa ở huyện biên giới Ia H’Drai vẫn cần mẫn, miệt mài băng rừng, lội suối, kiên trì bám trụ, ngày ngày gieo mầm tri thức đến với học trò thân yêu của mình.
Nằm trong khu Nhà điều hành của Tổng đội Thanh niên xung phong, Điểm trường Thôn 3, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai nơi có những cô giáo ngày đêm gắn bó, cõng con chữ lên non. Để vào được tới điểm trường, các cô giáo đã phải trài qua hành trình với những cung đường gập ghềnh sỏi đá. Khó khăn, gian khổ như thế nhưng các cô vẫn miệt mài ngược dốc, ngày ngày đều đặn lên lớp với năng lượng tràn đầy để gieo con chữ đến cho các em. Cô Lô Thị Kiều Oanh, Giáo viên tại Điểm trường Thôn 3, xã Ia Dom chia sẻ: “Đường xá đi lại thì rất khó khăn nên để kịp giờ dạy buổi sáng thứ 2 thì giáo viên chúng em phải chuẩn bị đi từ buổi chiều chủ nhật để kịp giờ lên lớp vào sáng hôm sau. Vì yêu thương các em, vì tương lai của các em nên chúng em cũng cố gắng vượt qua khó khăn để nền giáo dục huyện nhà được phát triển hơn”.
Cô Châu cùng với các em học sinh trong căn phòng học được ngăn làm đôi với tấm ván gỗ
Điểm trường Thôn 3, xã Ia Dom chỉ có 2 phòng học nhưng với 4 lớp/55 học sinh từ mầm non đến lớp 1, lớp 2. Để có đủ phòng đảm bảo cho công tác giảng dạy, có phòng phải ngăn làm đôi bởi tấm ván gỗ. Có thể thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại điểm trường này vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Cô Đoàn Thị Minh Châu, Giáo viên tại Điểm trường Thôn 3, xã Ia Dom tâm sự: “Có một số em học sinh nhà ở xa với điểm trường học nên các em đi học phải ở lại buổi trưa, mang theo cơm để ăn và con đường để các em đến trường thì còn hơi vất vả. Từ những khó khăn đó nên dẫn đến việc học tập của các em cũng gặp một số trở ngại và do điểm trường ở xa nên một số cơ sở vật chất cũng chưa thật sự đầy đủ để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới 2018”.
Khó khăn là vậy nhưng các cô vẫn đều đặn hàng ngày lặn lội mang con chữ gieo đến nơi biên giới với mong muốn các em được đến trường, được học tập đầy đủ như bao bạn bè cùng trang lứa khác. “Con thấy thầy cô rất là vui, quan tâm, yêu thương các con. Con biết ơn thầy cô rất nhiều”, em Đỗ Ngọc Thanh Trúc, Học sinh lớp 2C tại Điểm trường Thôn 3, xã Ia Dom hồn nhiên nói.
Rời Điểm trường Thôn 3, xã Ia Dom chúng tôi đến thăm Điểm trường Thôn 9, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, đây là một trong những điểm trường vẫn còn khó khăn của huyện. Điểm trường có 64 trẻ mẫu giáo, 62 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Các em học sinh chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái, ngoài ra còn có dân tộc Mường, Thổ, Gia-rai, Sán Dìu… Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, những năm gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại điểm trường được đẩu tư bổ sung, đảm bảo phục vụ cho công tác dạy và học.
Thầy giáo Lê Văn Peng lội suối để đến điểm trường
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Lê Văn Peng (Giáo viên tại Điểm trường Thôn 9, xã Ia Tơi) cho biết, nhà thầy ở huyện Sa Thầy. Từ khi đến nhận công tác tại điểm trường, thầy phải vượt hơn 120km từ nhà đến điểm trường để gieo con chữ. Vì đường quá xa nên cứ chiều chủ nhật, thầy đến lớp rồi ở lại điểm trường. Đến chiều thứ sau, thầy cùng với chiếc xe máy làm bạn đồng hành, vượt đường đèo trở về nhà. Mặc cung đường còn nhiều hiểm trở, bằng nhiệt huyết với nghề và tình yêu dành cho những cô cậu học trò nghèo, thầy Peng vẫn giữ vững niềm tin, vượt lên tất cả để hoàn thành sứ mệnh của mình. “Nếu tôi được chọn lại tôi vẫn lựa chọn lên miền núi để cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy của ngành giáo dục. Cho dù đường xá xa xôi tôi vẫn cố gắng hết sức để mang con chữ đến bản, đến với bà con ở vùng sâu vùng xa. Mỗi khi lên lớp tôi được nhìn thấy các em vui tươi học hành, đùa vui dưới sân trường tôi cảm thấy lại có động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của ngành giáo dục”, thầy Peng vui vẻ nói.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách các thầy cô giáo vẫn kiên trì “bám bản” vì học trò
Cùng hoàn cảnh như thầy Peng, cô Lâm Thị Mỹ Diệu cũng chọn cho mình cách “cắm bản” thay vì đi đi về về trong ngày, vì quãng đường hơn 40 km từ Điểm trường Thôn 9 về đến nhà vẫn còn những đoạn đường đi lại rất khó khăn. Vào mùa mưa lũ, gần như cô cùng với các giáo viên khác ở lại với bà con dân làng. Cô Diệu chia sẻ: “Hiện tại em đã lập gia đình và có con nhỏ. Vì điểm trường xa xôi nên con nhỏ hiện tại thì em đang gửi cho bà ngoại chăm sóc. Bản thân em cũng rất cố gắng, muốn mang đến những kỹ năng, những kiến thức đến cho các con. Và cũng mong rằng các con sẽ lớn lên chăm ngoan học giỏi, giúp ích được cho xã hội, đó cũng là niềm mong muốn và động lực để em hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Nhiều năm gắn bó, tâm huyết với nghề, với mảnh đất nơi biên cương đại ngàn còn nhiều khó khăn và những lớp học thân thương, khó lòng kể hết được những vất cả, nhọc nhằn mà các thầy, các cô đã phải trải qua. Nhưng với cô Oanh, cô Châu, thầy Peng, cô Diệu cũng như nhiều thầy cô giáo khác sẵn sàng ở nơi vùng sâu, vùng xa này, đều nỗ lực vì một mong ước, mong sao các em học sinh đều được tới trường, được học tập để có một tương lai sáng ngời, một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Và hơn hết, đó chính là lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp các thầy, các cô trụ vững và chèo đò miệt mài cùng năm tháng.