Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí bồi dưỡng nhân tài
Lượt xem:
Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam được độc lập, nhưng với trên 95% dân số mù chữ. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên thấu hiểu nguy cơ của nạn thất học này. Ngày 03/9/1945, Người chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tại phiên họp, Người nêu 6 nhiệm vụ cấp bách mà một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là mở chiến dịch chống nạn mù chữ mà Người gọi là “Diệt giặc dốt”. Sau đó Người ký sắc lệnh số 17 lập “Bình dân học vụ” để phụ trách việc chống mù chữ trong cả nước. Người viết thư kêu gọi chống nạn thất học gửi đồng bào: “Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn làm cho dân mạnh, nước giàu. Mọi người Việt Nam phải biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà…”
Nhiệm vụ quan trọng có vai trò quyết định đến tương lai tiền đề của dân tộc, Người đặt lên vai thế hệ trẻ – người chủ tương lai của đất nước. Tháng 9/1945 nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập, Bác gửi thư cho học sinh cả nước. Bức thư có đoạn viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc Năm Châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.
Trong những ngày gian khổ trên chiến khu Việt Bắc, dù bận trăm công nghìn việc để lãnh đạo kháng chiến, Người vẫn không quên việc học hành của con trẻ. Người ân cần chỉ bảo đàn cháu yêu quý của mình:
“Các cháu nghe Bác Hồ dặn dò,
Phải biết yêu nước, phải lo học hành.
Siêng làm việc, siêng tập tành,
Phải giữ kỷ luật để thành cháu ngoan
Bác yêu các cháu vô vàn,
Bác gửi các cháu muôn vàn cái hôn”.
Từ rất sớm Người đã khẳng định việc giáo dục cho thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông là việc vô cùng quan trọng. Người căn dặn: Giáo dục thiếu nhi là một khoa học, cần dạy cho các cháu biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hoá nhưng đồng thời phải toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của các cháu, không được làm các cháu thành những “ông già bé”. Chính phủ, các đoàn thể và tất cả đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục thiếu nhi.
Năm 1951 nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Người gửi thư căn dặn thiếu niên, nhi đồng toàn quốc: “Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất, thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sỹ”. Tháng 3/1955 gửi thư cho Hội nghị giáo dục toàn quốc, Người chỉ rõ trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của người thầy giáo là: “Chăm lo dạy dỗ cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà…”. Người căn dặn các cháu học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”. Trong thư gửi cho các thầy giáo và học sinh nhân dịp năm học mới (10/1955), Người chỉ rõ mục đích của nhà trường là nơi đào tạo những công dân tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Người nhấn mạnh nhiệm vụ của nhà trường: “Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân, phong kiến còn sót lại như thái độ thờ ơ với xã hội, học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”. Và, cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng cần tham gia những công tác xã hội “ích nước, lợi dân”. Bức thư còn đề cập đến nhiệm vụ của từng cấp Đại học, trung học, tiểu học, về trách nhiệm của gia đình phải liên hệ chặt chẽ với nhà trường.
Ngày 23/3/1956 khi đến thăm và nói chuyện với Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, Người khen ngợi những thành tích và cố gắng của ngành giáo dục, động viên anh chị em phấn đấu khắc phục khó khăn. Người kết luận: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy, cô giáo”.
Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại hoà bình, thời đại Hồ Chí Minh, nền giáo dục cách mạng Việt Nam luôn được nhân dân ta, Đảng, Nhà nước ta coi trọng và nghề dạy học cũng luôn được tôn vinh, người giáo viên luôn được xã hội đặt ở vị trí cao nhất, đó là vị trí “Người thầy”. Đảng và Nhà nước ta rất tự hào có một đội ngũ giáo viên đông đảo và tâm huyết với lòng nhiệt tình yêu nghề, trung thành với sự nghiệp cách mạng, hết lòng với sự nghiệp trồng người. Đội ngũ các thầy giáo, cô giáo chính là những người truyền thụ cho thế hệ trẻ về lý tưởng và đạo đức cách mạng, rèn luyện, bồi đắp cho các em có một kiến thức cơ bản sâu sắc, một nhân cách văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, dạy cho học sinh có trí thức và kỹ năng lao động nghề nghiệp, chắp cánh cho thế hệ trẻ bay cao, bay xa và trở thành là những mầm xanh tương lai của đất nước.
Tương lai của đất nước có được tươi đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục, mà hạt nhân của nó chính là đội ngũ giáo viên. Các thầy giáo, cô giáo là những người xây dựng và rèn luyện thế hệ trẻ có nhân cách đẹp và một trí tuệ nghiêm túc, với tình cảm sâu sắc, thông cảm nhau cùng với tính độc lập ngày càng cao. Hay nói cách khác là các thầy giáo, cô giáo có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là “sự nghiệp Trồng người”. Trong quá trình giáo dục thì mối quan hệ đầy sức mạnh và khăng khít giữa thầy và trò luôn giữ vị trí trung tâm trong quá trình dạy và học.
Đội ngũ thầy giáo, cô giáo là yếu tố quyết định hàng đầu đến chất lượng giáo dục cả về nhân cách, trình độ và kiến thức văn hoá cho học sinh. Do đó, muốn phát triển ngành giáo dục trong tình hình hiện nay lên một tầm cao mới và chiều sâu mới để đáp ứng ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; trước hết và trên hết là phải đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, mà chất lượng ở đây đầu tiên phải nói đến đạo đức nghề nghiệp, là nhân cách tốt đẹp của người giáo viên, từ đó mới có kiến thức trong việc giảng dạy, bồi đắp cho thế hệ trẻ để các em có một tầm nhìn xa, trông rộng, để sau này các em trưởng thành có một kiến thức cao phục vụ Tổ quốc.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục – đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo. Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Xuất phát từ những nhiệm vụ trên được nêu trong Nghị quyết của Đảng; nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục của ở nước ta hiện nay là nhằm xây dựng con người thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ trí thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật cao; có sức khoẻ, là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “Hồng” vừa “Chuyên” như lời căn dặn của Bác Hồ đã dạy.
Những quan điểm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu lập nước cho đến khi Người đi xa về sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào đạo những con người có tài, có đức, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, cũng chính là những vấn đề cơ bản mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt ra và yêu cầu đổi mới một nền giáo dục của nước nhà ngày càng phát triển lên một tầm cao mới và chiều sâu mới, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập Quốc tế hiện nay./.
Nguyễn Đăng Bình