Bí quyết đổi mới dạy Ngoại ngữ của trường điển hình vùng cao

Lượt xem:

Đọc bài viết

Là một trong những đơn vị điển hình thực hiện đổi mới dạy học Ngoại ngữ; Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai đã có những cách làm riêng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 đạt hiệu quả.

Xung quanh vấn đề này, thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Dương đã có những chia sẻ với báo Giáo dục & Thời đại.

Được biết, Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai là một trong 10 đơn vị điển hình thực hiện đổi mới dạy học Ngoại ngữ. Vậy thầy có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dạy và học các môn Ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ 2020 của nhà trường?

– Có thể nói, việc triển khai Đề án NNQG 2020 là một việc khó khăn đòi hỏi các nhà trường tập trung nguồn lực và các giải pháp để nâng cao hiệu quả công việc, thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, ngay từ đầu chúng tôi là thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền về việc học ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Đồng thời đưa yêu cầu bắt buộc về năng lực ngoại ngữ trong chuẩn đầu ra nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên về ý nghĩa, vai trò của đào tạo đáp ứng năng lực ngoại ngữ; tạo động lực cho cán bộ giảng viên và học sinh, sinh viên trong quá trình dạy, học ngoại ngữ.

Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường còn tăng cường đội ngũ giảng viên ngoại ngữ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tiếng Anh, tiếng Trung Quốc bằng cách cử đi khảo sát, bồi dưỡng năng lực, thi sát hạch năng lực;

Cùng với đó, chúng tôi tiến hành xây dựng các chương trình cải tiến ngành tiếng Anh, chương trình bồi dưỡng tăng cường tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và cải tiến các ngành không chuyên ngữ khác;

Được biết, với những sinh viên chuyên ngữ nhà trường đã tạo điều kiện cho sinh viên được giao lưu với người nước ngoài, còn giáo viên được tập huấn thường xuyên với các chuyên gia quốc tế. Vậy thầy có thể cho biết cụ thể hơn về nội dung này?

– Trong lộ trình triển khai Đề án NNQG 2020, chúng tôi rất quan tâm đến việc tạo điều kiện để giảng viên ngoại ngữ, sinh viên chuyên ngữ được giao lưu, làm việc với người nước ngoài nhằm nâng cao năng lực nhất là năng lực nghe, nói, giao tiếp…

Theo đó, chúng tôi thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo có úy tín để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên tiếng Anh phổ thông trong tỉnh.

Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho việc dạy học ngoại ngữ như: Hợp tác với Đại sứ quán Mỹ, tổ chức KOICA, tổ chức GLOBALCARE, chương trình học bổng Acess trong việc mời chuyên gia Anh ngữ, trợ giảng tiếng Anh là người bản ngữ đến làm việc tại trường nhằm tạo môi trường thuận thuận lợi cho việc dạy học, bồi dưỡng tiếng Anh;

Ngoài ra, nhà trường đã mời 1 chuyên gia Anh ngữ và 3 trợ giảng tiếng Anh đến giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, tập huấn,…;

Đặc biệt, trong 3 năm tham gia Đề án, chúng tôi đã phối hợp hoặc chủ trì tổ chức 2 Hội thảo khoa học quốc tế, một chuỗi tập huấn về các nội dung: Phương pháp dạy học tiếng Anh; bồi dưỡng năng lực tiếng Anh cho giảng viên nhà trường, giáo viên tiếng Anh phổ thông trong tỉnh và sinh viên chuyên ngành tiếng Anh.

Trong các hội thảo, tập huấn, nhà trường đã mời hàng chục lượt chuyên gia cao cấp Anh ngữ, chuyên gia Anh ngữ, trợ giảng tiếng Anh là người Hoa Kỳ và học giả, chuyên gia, giảng viên tiếng Anh có uy tín trong nước làm diễn giả, phát biểu trong hội thảo, tập huấn.

Qua các hoạt động đó giúp đội ngũ giảng viên tiếng Anh, học sinh, sinh viên của nhà trường được học hỏi, cọ xát, trao đổi về chuyên môn và năng lực ngoại ngữ;

Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với Đại sứ quán Mỹ để mời cán bộ của Đại sứ quán (Tham tán Thông tin văn hóa) đến gặp mặt, nói chuyện với giảng viên và sinh viên chuyên ngành tiếng Anh; cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa do Đại sứ quán Mỹ tổ chức, tham quan thực tế tại các cơ sở du lịch để các em có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài;

Vậy đối với sinh viên chuyên ngữ, thầy có tự tin rằng, sau khi ra trường, họ sẽ làm tốt nhiệm vụ của một giáo viên Ngoại ngữ theo mục tiêu của Đề án hay không? Nhà trường đã có con số khảo sát thực tế nào chưa?

– Trong quá trình tham gia Đề án, nhà trường đã tích cực đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy; tăng cường bổ sung các nguồn lực; tích cực bồi dưỡng tăng cường; việc sát hạch năng lực chuẩn đầu ra do các trường đại học/trung tâm được cấp phép của Bộ GD&ĐT thực hiện nên việc đánh giá năng lực sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp là chính xác, khách quan.

Do đó tôi tin tưởng những sinh đó cơ bản sẽ làm tốt nhiệm vụ giáo viên tiếng Anh, một số đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT, số còn lại sẽ đạt trong quá trình công tác;

Về việc khảo sát thực tế: Nhà trường đang phối hợp tốt với Sở GD&ĐT để đánh giá năng lực sinh viên đã ra trường hiện đang dạy học trong tỉnh Lào Cai.

Đối với những sinh viên tốt nghiệp năm 2015, phải đợi sau khi tham gia tuyển dụng thì mới đánh giá được, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát trong những năm tới.

Minh Phong