Kinh nghiệm vận động trẻ mầm non ra lớp
Lượt xem:
Từ chỗ chỉ có 60 trẻ với 4 nhóm lớp vào năm học 2011-2012, chỉ sau 3 năm, số trẻ ra lớp của trường Mầm non Bình Minh (phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) đã lên đến 260 trẻ với 9 nhóm lớp.
Bằng nhiều nỗ lực trong xây dựng đội ngũ, cải thiện các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường đã huy động được con em phường Thuận Phước quay về học tại trường Bình Minh và không phải xin học trái tuyến nữa.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng – kể: “Ngày nhận quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, tôi được đồng chí Chủ tịch quận giao nhiệm vụ “Phải huy động được con em phường Thuận Phước quay về học tại trường Bình Minh và không phải xin học trái tuyến nữa”.
Một trong những việc đầu tiên của tôi sau khi tiếp nhận công việc là trao đổi, lắng nghe nguyện vọng của phụ huynh, của nhân dân cũng như nhu cầu gửi con trong xu thế xã hội hiện nay.
Ba năm qua là một bước ngoặt lớn của nhà trường. Hình ảnh của những dãy hàng rào đổ nát, cây cỏ mọc quá đầu, những phòng học xuống cấp, tối tăm, đâu đó thỉnh thoảng mới nghe tiếng cô trò vọng lại… nay đã nhường chỗ cho một bộ mặt mới, ngôi trường đã được khoác lên chiếc áo mới xanh hơn, đẹp hơn, thân thiện và chất lượng hơn”.
Xây dựng cơ sở vật chất
Xác định đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi con học tại trường, BGH trường Mầm non Bình Minh đã tích cực tham mưu các cấp để xây dựng cải tạo rào rào cổng ngõ, lát nền các phòng học, phòng hiệu bộ; làm mới 100% nhà vệ sinh các lớp học, ốp men tường, cải tạo bếp ăn, bê tông, làm mới hệ thống thoát nước trong nhà trường.
Việc trang trí các phòng học cũng được đổi mới với nhiều hình ảnh vui mắt, mỗi phòng một nét riêng, với màu sắc riêng không trùng lặp ý tưởng để tạo sự mới lạ cho trẻ khi lên lớp mới. Lớp học được trang bị đầy đủ bàn ghế, sạp ngủ cá nhân, mềm gối riêng biệt.
Nhờ các đơn vị kết nghĩa, dân quân tự vệ phường, Hội Cha mẹ học sinh trồng và chăm sóc các bồn cây xanh trong nhà trường, đến nay sân trường đã rợp bóng cây xanh là nơi cho các bé khi tham gia các hoạt động ngoài trời, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Nhà trường cũng tạo nhiều khu vực vui chơi cho trẻ theo từng độ tuổi với đa dạng trò chơi phát triển thể lực cho trẻ. Ngoài ra nhà trường còn chú trọng phát triển kỉ năng sống cho trẻ qua việc trồng và chăm sóc rau xanh, chăm sóc cây cảnh của cá nhân trẻ.
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Nếu như cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng để phụ huynh gửi con vào trường thì chất lượng nhà trường sẽ quyết định sự gắn bó lâu dài của phụ huynh.
Năm học 2011-2012 trường có 13 giáo viên đứng lớp với 100% biên chế với tuổi bình quân là 46 tuổi. Trẻ hóa đội ngũ có trình độ đào tạo chính quy là mục tiêu mà trường đề ra nhằm tạo sự trẻ trung, năng động và sáng tạo trong nhà trường.
Với việc bố trí 1 GV lớn tuổi có kinh nghiệm bên cạnh 1 GV trẻ năng động được đào tạo chính quy đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự tiến bộ trong nhận thức của GV, làm cho phụ huynh hết sức yên tâm khi gửi con vào trường.
Nhà trường tiếp nhận trẻ từ 13 tháng tuổi vào học để tăng số lượng trẻ trong nhà trường. Để làm được điều này, ngoài sự vận động, bố trí GV hợp lý, cả trường cũng đã đề ra quyết tâm bằng mọi cách phải giữ được các bé ở độ tuổi này ra lớp chuyên cần, điều tiết cả BGH cùng xuống lớp để bế cháu.
Cứ 1 cháu nghỉ học là cả BGH trăn trở, tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Phải nỗ lực, chăm chỉ, chịu khó và yêu thương trẻ thật sự là khẩu hiệu mà nhà trường đề ra.
Thay đổi mô hình dạy học, tăng cường dạy kỹ năng sống, lấy trẻ làm trung tâm, kêu gọi các mạnh thường quân nhà trường cùng hỗ trợ nguồn lực cho trẻ được tham quan, dã ngoại tại các di tích lịch sử, các khu vui chơi, trẻ được đi tham quan và mua sắm tại siêu thị, các khu chợ trung tâm, được cắm trại tại đơn vị bộ đội kết nghĩa; hằng tháng các cháu được nhà trường tổ chức ăn buffet, được nhặt rau, bóc trứng, làm bánh… giúp cháu mạnh dạn, tự tin, hoạt bát lên hằng ngày và ngày càng yêu thích đến trường hơn.
Chi đoàn thanh niên nhà trường cũng xuống các tổ dân phố sinh hoạt vào các ngày 1/6, Tết Trung thu, cùng cán bộ phụ trách trẻ em của phường tìm hiểu những gia đình chính sách, cháu có hoàn cảnh đặt biệt để tiếp nhận, tạo điều kiện về vật chất để các cháu được thep học tại trường. Tăng cường chăm sóc và nuôi dạy trẻ khuyết tật hòa nhập có chất lượng.
Công tác xã hội hóa giáo dục
Đây là “yếu tố” góp phần không nhỏ vào việc huy động trẻ ra lớp tại trường Bình Minh.
Nhà trường đã vận động được các “Mạnh thường quân” trang bị 100% máy nước nóng lạnh cho trẻ. Ngoài ra, từ tháng 11/2012 cho đến nay, nhà trường được một “Mạnh thường quân” hỗ trợ thường xuyên 3 triệu đồng/tháng để giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn được theo học tại trường.
Rất nhiều phụ huynh đồng ý hỗ trợ về vật chất và tinh thần để nhà trường tổ chức các ngày lễ hội và các hoạt động trong nhà trường thành công tốt đẹp.
Hà Nguyên