Lưu ý khi thực hiện dạy học theo mô hình Trường học mới
Lượt xem:
Nhiều lưu ý khi thực hiện hoạt động dạy học theo mô hình Trường học mới được Sở GD&ĐT An Giang nhấn mạnh, như: Tổ chức học nhóm, sử dụng thiết bị dạy học, trang trí không gian lớp học, sử dụng tài liệu và hình thức tổ chức dạy học…
Đặc trưng riêng khi học nhóm
Về tổ chức học nhóm, Sở GD&ĐT An Giang lưu ý giáo viên, học nhóm trong mô hình Trường học mới khác với thảo luận nhóm trong phương pháp dạy học.
Học nhóm trong mô hình Trường học mới nhằm đạt được mục tiêu chúng của hoạt động giáo dục, trước hết là cá nhân tự học, sau đó cá nhân nhờ nhóm hỗ trợ trong học tập, cùng nhau giải quyết, đánh giá, nhận xét vấn đề.
Việc bố trí nhóm bạn học tập cần linh hoạt, nhóm bạn học tập và vị trí chỗ ngồi phải được thay đổi thường xuyên, nhằm tạo điều kiện để học sinh có cơ hội giao tiếp, cũng như điều chỉnh tư thế ngồi trong nhóm/lớp học tập, tránh được các tật học đường (cận thị, vẹo cột sống…)
Học sinh tự trang trí không gian lớp học
Việc trang trí không gian lớp học là yêu cầu cần có trong mô hình Trường học mới. Việc này do học sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Nội dung, chương trình mô hình Trường học mới là phiên bản của chương trình hiện hành được thiết kế, biên soạn theo cấu trúc dạy học mới, giảm kiến thức nhưng lại có tích hợp. Do vậy, việc sử dụng thiết bị dạy học dựa trên nền của thiết bị hiện có, đồng thời khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học.
Sử dụng tài liệu và hình thức tổ chức dạy học
Sách hướng dẫn học hiện nay được thiết kế theo cấu trúc như một kế hoạch dạy học (giáo án) dùng cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Trong quá trình thực hiện, hoạt động khởi động và vận dụng kiến thức có thể linh hoạt thay đổi bằng nhiều cách khác nhau.
Riêng hoạt động hình thành kiến thức và luyện tập có thể thay đổi hình thức tổ chức, phương pháp, nhưng mục tiêu hoạt động là không đổi.
Sách hướng dẫn giáo viên được thiết kế theo cấu trúc gợi ý là chủ yếu, giúp giáo viên hiểu rõ hơn sách hướng dẫn học, tìm được ý nghĩa của việc học.
Sách giáo viên không tin phát hành mà chủ yếu do Bộ GD&ĐT đưa lên trường học kết nối, giáo viên tự khai thác, tải xuống sử dụng và tham gia góp ý qua diễn đàn này.
Phát sinh khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học là việc hay gặp, vì thế giải quyết khó khăn phải trên quan điểm vì cái chung của nhiều nhóm học tập.
Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học, giáo viên phải thưởng xuyên quan sát, bao quát lớp học để hỗ trợ học sinh khi cần thiết. Giáo viên lưu ý không sử dụng thời gian trên lớp để giải quyết riêng lẻ từng trường hợp.
Giáo viên không cần sửa nhiều bài tập, chủ yếu sửa dạng bài, loại bài; số lượng bài tập được giáo viên sửa là tối thiểu, không là tối đa, bởi vì cần là phương pháp giải bài tập, sách có nhiều bài tập nhưng không nhất thiết phải sửa hết, chủ yếu là giáo viên có cách để khuyến khích học sinh tự làm.
Không đánh giá về sổ tay lên lớp của giáo viên
Dạy học mô hình Trường học mới không yêu cầu giáo viên soạn giáo án, tuy nhiên khi lên lớp bắt buộc giáo viên phải có “Sổ tay lên lớp”.
“Sổ tay lên lớp” được dùng vào việc ghi nhận kế hoạch bài dạy, theo dõi nhận xét quá trình và kết quả học tập của học sinh, dự kiến những tình huống phát sinh trong giảng dạy, có khi phải điều chỉnh liên tục để phù hợp với từng đối tượng học sinh và lớp học. Do đó, cán bộ quản lý nhà trường không tổ chức kiểm tra, đánh giá loại hồ sơ này.
Sở GD&ĐT cho biết không thiết kế mẫu “Sổ tay lên lớp” dùng chung cho tất cả giáo viên, mẫu là do nhà trường hoặc mỗi giáo viên tự thiết kế làm thế nào theo dõi đánh giá học sinh một cách chính xác là được.
Hải Bình