Cận cảnh đổi mới về “chất” quá trình dạy học Hóa học

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cô Trương Thị Hồng Chiên – Giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) – cho rằng: Để đạt được tính tích cực trong dạy học cần phải đổi mới về “chất” tất cả các quá trình dạy học Hóa học.

Tập trung hình thành năng lực hành động

Nêu quan điểm mục tiêu dạy và học Hóa học tập trung nhiều hơn tới hình thành năng lực hành động cho học sinh, cô Trương Thị Hồng Chiên làm rõ: Năng lực hành động là khả năng thực hiện có hiệu quả và có trách nhiệm các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề thuộc lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trên cơ sở hiểu biết, có kĩ năng, kĩ xảo và có kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động.

Ngoài những kiến thức, kĩ năng cơ bản học sinh cần đạt được, cần chú ý nhiều hơn tới việc hình thành các kĩ năng vận dụng kiến thức, tiến hành nghiên cứu khoa học như: Biết quan sát thí nghiệm, phân tích, dự đoán, kết luận, kiểm tra kết quả và mô tả; phân loại, ghi chép thông tin, đề ra các giả thuyết khoa học, giải quyết vấn đề, hoàn thành nhiệm vụ tìm tòi nghiên cứu khoa học; biết thực hiện một số thí nghiệm hóa học từ đơn giản tới phức tạp theo hướng độc lập và hoạt động theo nhóm; vận dụng kiến thức để giải quyết một số vấn đề đơn giản của cuộc sống có liên quan tới hóa học. Trong các hoạt động, chú trọng tới việc động viên học sinh từ phát hiện và giải quyết một cách chủ động, sáng tạo các vấn đề thực tế có liên quan tới hóa học.

Đổi mới hoạt động dạy học của giáo viên

Cô Trương Thị Hồng Chiên cho biết, các hoạt động của giáo viên bao gồm: Thiết kế, kế hoạch giờ học bao gồm các hoạt động của học sinh theo các mục tiêu cụ thể của mỗi bài học hóa học mà học sinh cần đạt được.

Tổ chức các hoạt động trên lớp để học sinh hoạt động cá thể hay hoạt động theo nhóm như: Nêu vấn đề cần tìm hiểu, giúp học sinh hiểu rõ vấn đề; tổ chức các hoạt động tìm tòi, phát hiện tri thức và hình thành kĩ năng Hóa học; vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra.

Cùng với đó, giáo viên còn định hướng, điều chỉnh các hoạt động: Chính xác hóa các kiến thức học sinh thu được qua các hoạt động học tập (mô tả hiện tượng thí nghiệm, giải thích các kết luận về bản chất hóa học, các mối liên hệ mà học sinh tìm tòi được, các khái niệm hóa học mới được hình thành…); thông báo, cung cấp thêm một số thông tin mà học sinh không thể tự tìm tòi được thông qua các hoạt động trên lớp.

Một hoạt động cũng rất quan trọng, gắn liền với đặc trưng của môn Hóa học là thiết kế và tổ chức thực hiện việc sử dụng các phương tiện trực quan, hiện tượng thực tế, thí nghiệm Hóa học, mô hình mẫu vật, phương tiện kĩ thuật, công nghệ thông tin… như là nguồn kiến thức, tư liệu thông tin để học sinh khai thác, tìm tòi, phát hiện những kiến thức, kĩ năng Hóa học mới.

Ngoài ra, giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh thể hiện hiểu biết của mình và được vận dụng nhiều hơn kiến thức thu được để giải quyết một số vấn đề có liên quan tới Hóa học trong đời sống sản xuất.

Đổi mới hoạt động học tập của học sinh

Với nội dung này, cô Trương Thị Hồng Chiên nhấn mạnh, trong quá trình học tập, hoạt động quan trọng học sinh cần tiến hành là nghiên cứu nội dung tư liệu học tập, tự phát hiện vấn đề hoặc nắm bắt vấn đề do giáo viên đưa ra (các nhiệm vụ học tập do giáo viên thiết kế đề ra).

Cụ thể, với hoạt động này, học sinh tiến hành phân tích tư liệu, đưa ra các dự đoán lí thuyết; phán đoán, suy luận, đề ra các giả thuyết khoa học; đề xuất các phương hướng giải quyết theo các giả thuyết; suy luận, tiến hành thí nghiệm; quan sát, mô tả, giải thích hiện tượng và đưa ra các kết luận; báo cáo kết quả hoạt động của cá nhận, của nhóm.

Hoặc tiến hành: Suy nghĩ trả lời các câu hỏi của giáo viên hoặc các vấn đề do học sinh khác nêu ra; giải bài toán Hóa học từ phân tích đề bài, chọn phương pháp giải, thực hiện các bước giải và rút ra kết luận; thảo luận theo nhóm, tóm tắt các ý kiến trong nhóm, kết luận.

Cùng với hoạt động trên, học sinh cần vận dụng kiến thức, kĩ năng đã thu nhận được để giải thích một số hiện tượng Hóa học xảy ra trong thực tế đời sống, sản xuất. Các hiện tượng thực tế này có thể do giáo viên nêu ra hoặc tổ chức cho học sinh tự thảo luận nêu ra. Đồng thời, tự đánh giá và đánh giá sự nắm vững kiến thức, kĩ năng của bản thân và của bạn học.

Chính bởi học sinh cần thực hiện các hoạt động nói trên nên theo cô Trương Thị Hồng Chiên, khi tổ chức các hoạt động học tập của học sinh, giáo viên cần chú ý: Trong giờ học, học sinh cần phải được hoạt động nhiều hơn (cả hoạt động trí tuệ và thí nghiệm, thực hành); tạo điều kiện để học sinh chủ động, tích cực trong hoạt động nhận thức để chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng. Việc động viên học sinh có ý thức và có kĩ năng vận dụng kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn cũng vô cùng quan trọng để học sinh có thêm động lực, hứng thú trong học tập.

Sử dụng phương tiện dạy học

Trong dạy học Hóa học, ngoài sử dụng các thí nghiệm Hóa học, cô Trương Thị Hồng Chiên lưu ý thêm đến các phương tiện dạy học khác như biểu bảng, hình vẽ, mô hình, mẫu vật, các phương tiện kĩ thuật (băng hình, máy chiếu, máy tính, các phần mềm dạy học…). Các phương tiện kĩ thuật dạy học thường được sử dụng để minh họa cho lời giảng của giáo viên.

“Theo phương hướng dạy học tích cực, để tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào hoạt động nhận thức, giáo viên cần sử dụng các phương tiện dạy học như là nguồn tri thức để học sinh tìm tòi, phát hiện ra tri thức cần lĩnh hội. Giáo viên sử dụng phương tiện dạy học phối hợp với lời giảng theo phương pháp nghiên cứu, tổ chức cho học sinh tìm tòi, nghiên cứu qua phương tiện dạy học để rút ra các kết luận cần thiết” – cô Trương Thị Hồng Chiên phân tích thêm.

Quá trình dạy học Hóa học là một “hệ” toàn vẹn bao gồm các thành tố có mối quan hệ chặt chẽ, quan hệ thống nhất và chi phối lẫn nhau: Mục đích, nội dung dạy học, phương pháp và phương tiện dạy học, hoạt động dạy của giáo viên, hoạt động học của học sinh, hình thức tổ chức dạy học và kết quả của sự dạy học..

Hải Bình (ghi)