Dẫn đường học sinh “chơi thân” với sách giáo khoa
Lượt xem:
Tiến sĩ Nguyễn Duân – Ban Khoa học và Công nghệ (ĐH Huế) – chia sẻ quy trình tổ chức học sinh làm việc với SGK Sinh học ở trường THPT, để học sinh và SGK trở thành người bạn thân, hỗ trợ cho nhau.
5 bước để có “bản thiết kế” nội dung chuẩn
Giai đoạn đầu tiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Duân là xác định hoạt động làm việc với SGK. Đây là giai đoạn giáo viên chuẩn bị, thiết kế nội dung tổ chức học sinh làm việc với SGK. Để có được bản thiết kế tốt, giáo viên phải thực hiện 5 bước cơ bản.
Bước thứ nhất là xác định mục tiêu. Để tiến hành xác định và tổ chức học sinh thực hiện các hoạt động, trước hết, giáo viên nghiên cứu mục tiêu tổ chức các hoạt động của học sinh. Mục tiêu này phải nằm trong mục tiêu của chương trình môn học do Bộ GD&ĐT quy định. Giáo viên cần xác định các loại mục tiêu về kiến thức, kĩ năng và thái độ, đặc biệt lưu ý mục tiêu kỹ năng làm việc với SGK.
Bước thứ hai là phân tích nội dung dạy học. Theo đó, việc phân tích nội dung phải giải quyết được các nhiệm vụ như sau:
Về đặc điểm nội dung: Xác định nội dung kiến thức cơ bản, trọng tâm bài học; xác định kiến thức đó ở dạng thông tin nào (kênh hình hay kênh chữ) để rèn luyện các kỹ năng làm việc với SGK tương ứng (kỹ năng tóm tắt, kỹ năng lập sơ đồ, kỹ năng lập bảng…);
Xác định nội dung thuộc loại kiến thức Sinh học nào (cấu trúc – chức năng, khái niệm, quy luật, quá trình, cơ chế…) để xác định loại hoạt động cho học sinh làm việc với SGK; mối quan hệ giữa nội dung dạy học với những kiến thức Sinh học mà học sinh đã biết.
Về cấu trúc: Xác định cấu trúc logic của nội dung SGK trên cơ sở cấu trúc logic khoa học và cấu trúc logic nhận thức của học sinh. Hầu hết các bài trong SGK đều được trình bày theo quan điểm kết hợp cấu trúc logic khoa học và cấu trúc logic nhận thức của học sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giáo viên có thể thay đổi, chỉnh lí hoặc bổ sung nếu có lập luận vững vàng để đạt hiệu quả dạy học cao hơn.
Bước thứ 3 là xác định hoạt động làm việc với SGK. Nếu hiểu nội dung trình bày trong SGK ở dạng kênh chữ, giáo viên phải xác định các hoạt động như: Tìm ý chính, tóm tắt, lập dàn ý, lập sơ đồ, lập bảng… Nếu nội dung trình bày trong SGK là dạng kênh hình, giáo viên tổ chức học sinh khai thác nội dung trong kênh hình đó, như hoạt động khai thác thông tin từ tranh, ảnh, sơ đồ, đồ thị.
Bước thứ tư là thiết kế câu hỏi, bài tập. Với nội dung này, câu hỏi, bài tập được mã hóa từ nội dung dạy học đã xác định và phải đảm bảo các yêu cầu: Câu hỏi, bài tập là biện pháp, đồng thời định hướng cho hoạt động làm việc với SGK của học sinh. Mỗi câu hỏi bài tập phải định hướng rõ vấn đề cần nghiên cứu có trong SGK; sắp xếp theo logic tổ chức hoạt động học tập cho học sinh. Từng câu hỏi, bài tập cần nêu ra được một hoặc một số nhiệm vụ học sinh phải giải quyết khi làm việc với SGK để lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng làm việc với SGK tương ứng.
Mỗi nội dung dạy học có thể mã hóa thành các câu hỏi, bài tập khác nhau tùy theo mục tiêu đã xác định. Kĩ năng làm việc với SGK của học sinh càng thấp thì hệ thống câu hỏi, bài tập càng chi tiết và ngược lại.
Bước cuối cùng là lập kế hoạch tổ chức hoạt động. Với bước này, giáo viên xác định thời điểm học sinh thực hiện hoạt động, như thực hiện tại lớp hay ở nhà; trước, trong hay sau khi lên lớp; hoạt động sẽ thực hiện vào khâu nào của bài lên lớp. Cùng với đó, sắp xếp các hoạt động làm việc với SGK của học sinh đảm bảo tính logic, hệ thống; dự kiến thời gian dành cho từng hoạt động.
Kết thúc bước 5, giáo viên lập bảng để phản ánh quan hệ giữa 5 yếu tố: Nội dung, mục tiêu, câu hỏi – bài tập, thời điểm, thời gian. Ngoài ra, giáo viên cần dự kiến kết quả (sản phẩm) đạt được, những sai lầm học sinh gặp phải và phương án sửa chữa.
Các bước tổ chức học sinh làm việc với SGK
5 bước tổ chức học sinh thực hiện hoạt động làm việc với SGK được tiến sĩ Nguyễn Duân đưa ra là: Định hướng; học sinh làm việc với SGK; thảo luận; tổng kết; vận dụng.
Với giai đoạn định hướng, giáo viên định hướng học sinh thực hiện hoạt động với SGK như: Giới thiệu mục tiêu của hoạt động; giao câu hỏi, bài tập đã thiết kế cho học sinh và hướng dẫn cách thực hiện; thông báo các yêu cầu khác cho học sinh biết như hình thức tổ chức, cách trình bày.
Học sinh tự định hướng quá trình thực hiện hoạt động làm việc với SGK, chuyển nội dung định hướng của giáo viên thành nội dung tự định hướng cho cá nhân. Bước này, học sinh cần xác định hoạt động phải thực hiện; xác định mục tiêu hoạt động; xác định nội dung SGK cần khai thác, thu nhận, xử lý để đạt mục tiêu đó; xác định kế hoạch thực hiện. Kết quả là hình thành được bản kế hoạch làm việc với SGK của học sinh.
Bước tiếp theo, học sinh sẽ làm việc với SGK. Tại đây, vai trò của giáo viên được “ẩn” đi, vì nội dung định hướng ở trên được học sinh chuyển sang nội dung tự định hướng cho việc tự nghiên cứu. Do đó, trên thực tế, bước này chỉ thấy chủ yếu học sinh tự lực làm việc với SGK để thực hiện các hoạt động đã được giáo viên định hướng. Học sinh phải thực hiện hoạt động theo các bước tương ứng dành cho từng hoạt động mà mình đã biết. Mỗi hoạt động (tóm tắt, lập sơ đồ…) có các bước thực hiện riêng. Kết quả bước này là tri thức và kỹ năng mang tính cá nhân của học sinh (chưa được kiểm chứng).
Sau bước học sinh làm việc với SGK sẽ là thảo luận. Giáo viên tổ chức, điều khiển hoạt động thảo luận cho nhóm học sinh (4 – 6 học sinh/nhóm). Ở đây, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, đồng thời là trọng tài, cố vấn cho hoạt động học tập hợp tác của học sinh theo đúng mục tiêu. Học sinh tự thể hiện kết quả hoạt động của cá nhân và thảo luận với tập thể nhóm, lớp. Theo đó, cá nhân trình bày sản phẩm và cách làm ra sản phẩm; thảo luận giữa các học sinh trong nhóm và thảo luận của học sinh toàn lớp.
Bước 4 tổng kết, giáo viên sẽ hướng dẫn giáo viên tự tổng kết quá trình hoạt động đã thực hiện và đưa ra những kết luận nhằm chính xác hóa kiến thức và kĩ năng để học sinh tự kiểm tra, đánh giá; từ đó, giáo viên đưa ra những nhận xét phù hợp. Giáo viên có vai trò là người cố vấn.
Học sinh tự tổng kết, tự kiểm tra và tự đánh giá theo trình tự: Tự tổng kết toàn bộ quá trình hoạt động làm việc với SGK của mình; tiếp nhận những ý kiến đóng góp của giáo viên; đối chiếu với những nội dung tự kết luận và tự đánh giá của bản thân để tự kiểm tra, tự điều chỉnh. Kết quả là những kiến thức, kỹ năng của học sinh được giáo viên chính xác hóa. Đây là tri thức khoa học mà học sinh cần lĩnh hội và là chuẩn để học sinh đối chiếu, kiểm tra và điều chỉnh kết quả làm việc với SGK của bản thân.
Bước cuối cùng là vận dụng. Với bước này, giáo viên đặt ra những vấn đề tương tự, học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã có để giải quyết theo mục tiêu dạy học đã xác định. Học sinh giải quyết vấn đề giáo viên đặt ra theo các bước: Phân tích vấn đề đặt ra để xác định nhiệm vụ phải giải quyết; tìm kiếm tri thức, kỹ năng đã học liên quan đến nhiệm vụ cần giải quyết; vận dụng tri thức, kỹ năng đã có để giải quyết vấn đề tương tự.
Kết quả là học sinh giải quyết được vấn đề đặt ra, qua đó khắc sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thể hiện tri thức một cách sáng tạo; đồng thời, học sinh cũng được rèn luyện kỹ năng vận dụng thông tin khi đọc sách.
Tiến sĩ Nguyễn Duân