Năng lực giúp giáo viên thực hiện hoàn hảo dạy học phân hóa
Lượt xem:
Dạy học phân hóa là một chiến lược dạy học nhằm thực hiện nguyên tắc “đảm bảo sự thống nhất giữa tính vừa sức chung và vừa sức riêng trong hoạt động dạy học”.
Người giáo viên đã được trang bị các năng lực dạy học phân hóa qua quá trình đào tạo ở các trường sư phạm cũng như trong hoạt động dạy học thực tiễn. Tuy nhiên, việc thực hiện hoàn hảo dạy học phân hóa, đòi hỏi người giáo viên phải có đầy đủ các năng lực tương ứng với trình tự các khâu của hoạt động dạy học. Đó là chia sẻ của giảng viên Nguyễn Đắc Thanh – Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Năng lực đánh giá, phân loại học sinh học sinh
Theo giảng viên Nguyễn Đắc Thanh, bản chất và tính ưu việt của dạy học phân hóa là dựa vào đặc điểm riêng biệt trong học tập của học sinh (phong cách học tập, năng lực học tập, nhu cầu, hứng thú, động cơ học tập, định hướng giá trị, đặc điểm văn hóa cá nhân…) để người giáo viên lựa chọn mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện… dạy học thích hợp với từng nhóm đối tượng.
Công việc đánh giá, phân loại học sinh đầu vào này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là khâu định hướng, chỉ đạo cả chiến lược dạy học phân hóa. Từ đó, giáo viên là phải có năng lực để xác định chính xác các đặc điểm riêng biệt của học sinh.
Cụ thể: Phân loại đặc điểm về phong cách học tập của học sinh tuy còn nhiều tranh cãi nhưng nói chung giảng dạy dựa trên phong cách học tập chính là nhận định đúng khí chất của học sinh (hăng hái, bình thản, nóng nãy, ưu tư), phân loại đặc điểm trí tuệ nỗi bật của học sinh gồm ngôn ngữ, logic – toán học, không gian, hình thể – động năng, âm nhạc, giao tiếp, nội tâm và tự nhiên học.
Dù biết chắc rằng xây dựng môi trường dạy học dựa vào phong cách học tập phát huy được thế mạnh của từng học sinh nhưng đây không phải là công việc dễ dàng. Giáo viên phải biết sử dụng các trắc nghiệm tâm lý, sử dụng các kỹ thuật quan sát, điều tra, phỏng vấn…mới phân loại được học sinh.
Tiếp theo là phân loại nhịp độ nhận thức trong học tập từng môn cụ thể của mỗi học sinh nhanh chậm khác nhau ở từng lĩnh vực trí tuệ.
Khi giáo viên đã có cơ hội làm việc với lớp nhiều lần, phải ghi chú nhịp độ này ở từng học sinh, phân thành từng nhóm nhanh chậm khác nhau để có thực hiện quá trình dạy học cho vừa sức từng nhóm, tránh tình trạng những học sinh nhịp độ tiếp nhận nhanh phải chờ đợi, học sinh chậm cảm thấy giáo viên lướt nhanh vấn đề.
Hiện nay, để đánh giá nhịp độ nhận thức ở từng lĩnh vực trí tuệ, các nhà nghiên cứu khuyên giáo viên nên sử dụng các trắc nghiệm CAT, trắc nghiệm IQ, trắc nghiệm Golomxtoc đã được các tác giả Việt Nam chuẩn hóa để đánh giá học sinh.
Phân loại năng lực học tập từng môn của học sinh là cách phổ biến nhất trong rà soát đầu vào mà giáo viên đang thực hiện. Thông thường trong giảng dạy một lớp giáo viên chia lớp thành ba nhóm giỏi, khá – trung bình – yếu kém.
Dựa vào kết quả phân loại này giáo viên mới đầu tư xây dựng mục tiêu chung và riêng cho lớp học, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức (bồi dưỡng, phụ đạo) cho từng nhóm.
Căn cứ trên chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ của môn học, người giáo viên thiết kế các bài tập, tình huống, yêu cầu, vấn đáp… để kiểm tra học sinh qua đó phân loại năng lực học tập riêng.
Ngoài các căn cứ trên, theo giảng viên Nguyễn Đắc Thanh, lý luận dạy học phân hóa đòi hỏi giáo viên phải phân loại học sinh trên cơ sở đánh giá nhu cầu, hứng thú, động cơ học tập, thậm chí ở cả đặc điểm văn hóa, tôn giáo, môi trường sống… của học sinh.
Như vậy, phân loại học sinh để dạy học phân hóa đòi hỏi người giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng về việc sử dụng trắc nghiệm tâm lý, thiết kế bảng khảo sát, thiết kế bài tập… để đánh giá và phân loại học sinh chính xác nhất.
Năng lực lựa chọn, thiết kế mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học
Khẳng định dạy học phân hóa không chấp nhận giáo viên thực hiện một giáo án cho tất cả các học sinh trong cùng một lớp, giảng viên Nguyễn Đắc Thanh cho rằng, thực hiện khâu này, giáo viên phải giải đáp câu hỏi: Mục tiêu học tập của từng nhóm là gì? Phân hóa nội dung nào? Dạy như thế nào?
Về thiết kế mục tiêu: Trước hết giáo viên phải xây dựng mục tiêu trên nguyên tắc đảm bảo tất cả học sinh trong một lớp đều đạt được yêu cầu cơ bản. Dựa vào đánh giá, phân loại đầu vào, giáo viên xác định mục tiêu cho nhóm học sinh có năng lực học tập khá giỏi để bồi dưỡng, phát triển các em.
Đối với học sinh yếu kém, để đạt được mục tiêu cơ bản giáo viên phải chia mục tiêu thành các mục tiêu giai đoạn nhỏ để phụ đạo, giúp đỡ từng bước một.
Về thiết kế nội dung: Trên cở sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, bài học, giáo viên phân chia ra ba nhóm gồm những học sinh: Đã hiểu biết, hiểu biết mức độ, hoàn toàn chưa có hiểu biết về nội dung.
Mặt khác, phải xác định được mức độ tiếp nhận và giải quyết vấn đề để lựa chọn nội dung cho từng nhóm theo năng lực học tập. Bên cạnh đó, từ phong cách học tập, nhịp độ học tập, nhu cầu hứng thú học tập của học sinh khác nhau, giáo viên phải tỉ mỉ xây dựng chiến lược khai thác nội dung cho từng nhóm theo các hướng qua hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, vận động, logic, thực hành….
Về thiết kế quy trình dạy học: Xuất phát từ tính đa dạng của mục tiêu, người giáo viên phải lên kịch bản cho hoạt động dạy học của mình cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.
“Dạy học phân hóa có khi giáo viên lúc phải làm việc với toàn lớp, lúc lại làm việc với từng nhóm học sinh nên phải linh hoạt trong việc xác định phối hợp các hình thức và phương pháp dạy học.
Dù thiết kế ý tưởng dạy học như thế nào đều phải đảm bảo tất cả các học sinh tích cực học tập theo mức độ mục tiêu của mình. Thiết kế quy trình dạy học phân hóa bắt buộc giáo viên phải có hiểu biết sâu sắc và phối hợp linh hoạt các phương pháp dạy học truyền thống và không truyền thống; tính toán kỹ lưỡng sử dụng phương pháp nào? Thời gian nào? Cho nhóm nào?…” – giảng viên Nguyễn Đắc Thanh cho hay
Năng lực tổ chức thực hiện dạy học phân hóa trên lớp
Giảng viên Nguyễn Đắc Thanh đưa ra 3 hình thức cơ bản giáo viên phải thực hiện thành thạo, có hiệu quả khi tổ chức thực hiện dạy học phân hóa trên lớp.
Thứ nhất là tổ chức dạy học toàn lớp: Thế mạnh của hình thức dạy học này là tạo ra môi trường tương tác giữa các học sinh với nhau và với giáo viên. Thông thường giáo viên đưa ra yêu cầu chung cho mọi thành viên giải quyết.
Ở hình thức này, học sinh đều cùng suy nghĩ hoặc trao đổi, hỗ trợ, hợp tác với bạn bè để tìm ra cách giải quyết. Sử dụng những học sinh khá giỏi để giúp đỡ học sinh trung bình, yếu kém đạt đến mục tiêu chung.
Tổ chức dạy học theo nhóm phân hóa: Điều đầu tiên giáo viên phải lưu tâm là chia nhóm phân hóa luôn dựa trên phân loại năng lực ở từng bài học cụ thể. Ở bài học đầu học sinh này có thể xếp trong nhóm yếu kém, nhưng đến bài “n” thì học sinh đó có thể thuộc nhóm trung bình thậm chí nhóm khá giỏi. Vì vậy, khi sắp xếp nhóm luôn luôn phải khảo sát và thay đổi thành viên.
Nếu sắp xếp nhóm dạy học phân hóa theo phong cách học tập, yêu cầu giáo viên phải có năng lực thiết kế và tổ chức nhóm theo hình thức hoạt động. Cùng một nội dung như nhau nhưng thiết kế các con đường chiếm lĩnh khác nhau.
Giáo viên đưa ra yêu cầu trước, học sinh có thể giải quyết vấn đề qua từng nhóm vui chơi, hoạt động, cũng có thể qua xem videos, tranh ảnh, có thể qua làm việc độc lập, có thể qua âm nhạc, tranh luận…với nhau.
Giáo viên cho phép học sinh lựa chọn hình thức tiếp nhận và ghép nhóm theo hứng thú và sở thích của mình. Vấn đề mong đợi là tất cả phải đạt được mục tiêu một cách tích cực và thoải mái nhất.
Tổ chức dạy học cá nhân: Dạy học phân hóa là dạy học bám sát đối tượng. Ngoài hình thức dạy học tòan lớp, hình thức nhóm, giáo viên phải có sự giúp đỡ riêng. Phổ biến của hình thức dạy học cá nhân là phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh khá giỏi. Hình thức này đảm bảo cho các học sinh đều tiến bộ và đạt được mục tiêu riêng của mình.
Năng lực đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phân hóa
Để đảm bảo công bằng trong đánh giá dạy học phân hóa đòi hỏi giáo viên phải có năng lực đánh thường xuyên, liên tục theo từng giai đoạn nhỏ.
Nếu căn cứ vào năng lực học tập đòi hỏi phải thực hiện các bài kiểm tra phân hóa độ khó trong yêu cầu của đề thi.
Nếu căn cứ phong cách, hứng thú học tập phải thiết kế các kiểu bài kiểm tra đa dạng hình thức cho từng nhóm.
Năng lực điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động dạy học phân hóa
Khâu này được xem là khâu cuối cùng của hoạt động dạy học phân hóa, đồng thời cũng là bước chuẩn bị cho chiến lược dạy học phân hóa tiếp theo.
Khi có được kết quả từ kiểm tra, đánh giá giáo viên phải phân tích những nguyên nhân của thành quả và thất bại trong kết quả dạy học phân hóa. Phải nghiên cứu lại các khâu của hoạt động dạy học phân hóa và điều chỉnh, hòan thiện dần ý tưởng dạy học phân hóa của bản thân.
Hải Bình (ghi)