Vùng khó đổi mới dạy học Vật lý từ lớp học đến… sân chơi

Lượt xem:

Đọc bài viết

Là một tỉnh vùng khó nhưng một vài năm trở lại đây, kết quả dạy học Vật lý tại Kon Tum có những bước chuyển rõ rệt. Theo ông Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum – đó là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ bồi dưỡng giáo viên, triển khai đổi mới phương pháp đến trang bị cơ sở vật chất trường lớp học…

Bồi dưỡng giáo viên phải là hoạt động thường xuyên

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng giáo viên đến nâng cao chất lượng dạy học, Phó Giám đốc Nguyễn Hóa cho biết: Trong từng năm học, Sở GD&ĐT đã triển khai công tác bồi dưỡng tập trung trong hè và có kế hoạch hướng dẫn các trường tiến hành bồi dưỡng thường xuyên ở đơn vị và ở tổ chuyên môn.

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tìm hiểu cơ sở lí luận, xác định quan điểm, định hướng đúng đắn và những biện pháp khả thi nhằm đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới về quan niệm, nhận thức của giáo viên về việc áp dụng các phương pháp dạy học mới để nâng cao hiệu quả dạy học môn Vật lý.

Sở GD&ĐT khuyến khích giáo viên khai thác những yếu tố tích cực của phương pháp dạy học truyền thống một cách phù hợp và có hiệu quả; đồng thời đưa quan điểm, mô hình dạy học hiện đại, các phương pháp dạy học mới vào tiết dạy, tạo điều kiện cần thiết giúp giáo viên thực hiện được sự chuyển biến về các hoạt động dạy và học, chuyển từ lối truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức các hoạt động tự lực, tự khám phá, tự chiếm lĩnh tri thức, hình thành năng lực tự học, năng lực sáng tạo của học sinh.

Việc vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt các phương pháp tích cực như: Phương pháp dạy học theo dự án, Bàn tay nặn bột, Bản đồ tư duy, Trải nghiệm sáng tạo cũng đặc biệt được coi trọng; bởi việc sử dụng các phương pháp nêu trên là hoàn toàn phù hợp với môn Vật lý.

Chú trọng hướng dẫn trường xây dựng chủ đề dạy học

Đưa nhận định, việc đổi mới phương pháp dạy học đã đi trước đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa; do đó, để vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vừa có hiệu quả vừa đáp ứng chuẩn kiến thức và kỹ năng cho học sinh, ông Nguyễn Hóa cho rằng, cần phải cấu trúc lại chương trình, xây dựng các chủ đề dạy học.

“Sở GD&ĐT Kon Tum đã yêu cầu các trường dựa vào khung phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn tổ bộ môn xây dựng các chủ đề dạy học và triển khai dạy học theo chủ đề, không dạy theo tiết, bài như trước đây. Chẳng hạn như dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn” – ông Nguyễn Hóa cho hay.

Đầu tư tạo các diễn đàn, sân chơi

Để kinh nghiệm hay được lan tỏa, Sở GD&ĐT Kon Tum đã hướng dẫn các đơn vị chủ động triển khai các hội thảo, cuộc thi theo các chủ đề hướng đến phát huy tính tích cực của học sinh đã được xây dựng từ đầu năm học (dựa trên đăng kí của tổ chuyên môn được Hiệu trưởng phê duyệt).

Bản thân Sở GD&ĐT cũng tổ chức nhiều cuộc thi với mục đích đổi mới phương pháp dạy học. Có thể kể đến thi thiết kế bài giảng e-Learning, cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp… Các cuộc hội thảo, cuộc thi đều được góp ý, rút kinh nghiệm và triển khai kết quả qua các tiết dạy minh họa theo hướng nghiên cứu bài học.

“Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn có văn bản chỉ đạo đơn vị khuyến khích giáo viên và học sinh tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng phát triển năng lực của người dạy và người học phù hợp với đặc trưng của bộ môn Vật lý. Chẳng hạn: Cuộc thi em yêu Vật lý, Học sinh với nghiên cứu sáng tạo khoa học…” – ông Nguyễn Hóa cho biết thêm.

Hướng dẫn các trường thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá

Đối với giáo viên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hóa, trước tiên cần thay đổi cách đánh giá các tiết dạy thao giảng, dạy tốt của giáo viên trên lớp, kiên quyết với các giáo viên chậm đổi mới chỉ bám sách giáo khoa theo cách “thầy ghi – trò chép” hay các giáo viên lạm dụng CNTT cho việc đổi mới. Đánh giá cao và khuyến khích các tiết dạy có sự tích cực, chủ động làm việc của học sinh, giáo viên làm người hướng dẫn, làm trọng tài điều khiển các nhóm trong tiết dạy.

Cùng với đó, kiểm tra giáo án và hướng dẫn giáo viên đổi mới cách soạn phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học; chú trọng các phương pháp đặc thù của bộ môn như: Phương pháp thực nghiệm, phương pháp mô hình, phương pháp trải nghiệm sáng tạo, dạy học theo dự án, phương pháp Bàn tay nặn bột, bản đồ tư duy…

Đối với học sinh, Sở GD&ĐT tiếp tục đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá trên tinh thần phát triển năng lực của học sinh; chỉ đạo các trường tổ chức ra đề thi theo ma trận, có phản biện (kiểm tra một tiết, kiểm tra giữa kì và kiểm tra cuối năm). Giao cho các trường phân công giáo viên chấm chéo ở các bộ môn nói chung và bộ môn Vật lý nói riêng.

Từng bước hoàn thiện phòng học bộ môn Vật lý

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung này, ông Nguyễn Hóa cho biết, trong thời gian gần đây, trang thiết bị phòng học các trường trên địa bàn từng bước được cải thiện; tuy nhiên nói chung vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ, nhất là với các trường vùng sâu, vùng xa.

Trước thực tế này, Sở GD&ĐT khuyến khích giáo viên và học sinh tự làm đồ dùng dạy học và xem đó là một tiêu chí khuyến khích trong việc đánh giá giờ dạy giáo viên và cộng điểm ưu tiên cho học sinh.

Giáo viên đã thay đổi tư duy

Chia sẻ về kết quả đạt được, ông Nguyễn Hóa chia sẻ: Quá trình đổi mới phương pháp dạy học đã diễn ra khá lâu nên giáo viên cũng đã dần quen, không còn bỡ ngỡ như trước. Tư tưởng một bộ phận giáo viên cũng đã thay đổi, ý thức được sự cần thiết phải đổi mới dạy học.

Tuy nhiên, vẫn còn giáo viên lúng túng, mới hiểu đổi mới phương pháp dạy học ở hình thức bên ngoài (ví như đổi mới chỉ là tăng cường thảo luận nhóm hoặc phải sử dụng máy chiếu, giáo án điện tử… trong các giờ học) mà chưa chú ý được đến bình diện bên trong của phương pháp dạy học (hiệu quả và sự phù hợp của các phương pháp đối với nội dung và đặc thù môn học).

Những lớp học sinh sau này đã quen với cách học mới ở THCS, do đó, giáo viên có điều kiện thuận lợi hơn để áp dụng phương pháp dạy học mới đối với học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được chú trọng trang bị để phục vụ cho việc đổi mới – có phòng bộ môn với đồ dùng thí nghiệm khá đầy đủ, máy tính, máy chiếu, camera… Phòng học bộ môn ngày càng phát huy tối đa tác dụng và hầu như tiết nào cũng có giáo viên sử dụng nghiên cứu thí nghiệm hay chia sẻ kinh nghiệm.

Hải Bình