Khơi nguồn sáng tạo cho học sinh
Lượt xem:
Trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, để học sinh thỏa sức sáng tạo thì ngoài thái độ và phương pháp học tập của các em rất cần giáo viên có phương pháp giáo dục phù hợp.
Đó là chia sẻ của tiến sỹ Ngô Thị Thu Dung – Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục cộng đồng (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Quan trọng là phương pháp giáo dục của người thầy
Theo TS Ngô Thị Thu Dung, giáo viên phải là người biết tôn trọng hoạt động sáng tạo của học sinh. Đồng thời biết chấp nhận, không phán xét những sáng kiến, quan điểm của học trò, chấp nhận ý kiến đa dạng từ phía học sinh. Tuy nhiên, tôn trọng và không phán xét ở đây không có nghĩa là mặc kệ tất cả.
“Có những trường hợp giáo viên đồng ý với những ý kiến của học sinh, nhưng cũng có những trường hợp cần phải diễn giải, đối thoại với những ý kiến của học sinh hoặc hành động bằng cách diễn đạt, sắp xếp lại các ý kiến của học sinh.
Làm được điều này, giáo viên sẽ mở rộng, tạo hứng thú, kích thích việc xem xét, so sánh, phân tích, đánh giá … tạo nên những cảm xúc sáng tạo cho học sinh” – TS Dung trao đổi.
Cũng theo TS, giáo viên cần dạy học theo hướng mở nhiều hơn bằng cách luôn đặt ra những câu hỏi mở rộng, có tính liên môn cao để định hướng, kích thích hướng tư duy sáng tạo của người học. Ngoài ra, có thể đặt những câu hỏi ở mức độ tổng hợp và đánh giá (theo thang bậc nhận thức của Bloom).
“Đặc biệt giáo viên nên mở rộng vấn đề để học sinh có hướng tư duy rộng hơn. Vấn đề mà giáo viên mở rộng tại thời điểm hiện tại học sinh chưa chắc đã trả lời được ra nhưng nó lại là câu hỏi yêu cầu học sin luôn suy ngẫm và tìm cách trả lời cho câu hỏi đó” TS Dung chia sẻ.
Mặt khác, theo TS giáo viên phải luôn có ý thức tạo mọi điều kiện cho học sinh tương tác với nhau. Tạo điều kiện để học sinh trình bày quá trình tư duy dẫn đến những ý kiến của họ, cho học sinh có thời gian suy nghĩ, thể hiện và bảo vệ ý tưởng cá nhân trước tập thể lớp.
Tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, hướng cho học sinh quan sát môi trường xung quanh vì toàn bộ môi trường xung quanh là cội nguồn cho sự sáng tạo.
Học sinh cần có thái độ và phương pháp học tập thích ứng
Theo TS Ngô Thị Thu Dung: Người học phải luôn có nhu cầu và động cơ sáng tạo, luôn có ý thức vấn đề đó là của chính bản thân mình vì điều này sẽ kích thích niềm hứng thú, đam mê của học sinh, phải tự mình giải quyết được vấn đề đó, luôn tìm tòi sáng tạo và suy nghĩ sáng tạo trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, người học không được phép có tính ì tâm lý, nghĩa là luôn muốn giữ lại những trạng thái khuynh hướng lạc hậu đã và đang trải qua, phải luôn biết quan sát và học hỏi, quan sát tinh thần và có hiệu quả.
Người học cũng cần có tinh thần nghiêm túc, cẩn thận suy xét tới cùng và nhìn toàn diện khi nghiên cứu các vấn đề. Đồng thời, dám tuyên chiến với uy quyền lạc hậu, hoài nghi và tự bồi dưỡng cho mình khả năng tự giải quyết những hoài nghi do mình đặt ra. Dám chấp nhận sự thất bại, luôn kiên trì, nhẫn nại và hết mình với công việc, luôn noi theo tinh thần sáng tạo của các nhà khoa học sáng tạo.
“Cùng với đó, người học phải luôn rèn khả năng tư duy và tưởng tượng sáng tạo. Kết hợp giữa tư duy logic và tư duy sáng tạo là rạo ra cái mới nhưng vẫn cần tính logic của kiến thức khoa học trước đó, những tri thức và kinh nghiệm thực tiễn, tính hợp lý của tri thức, nhìn nhận sự việc trong các mối quan hệ vốn có và những quan hệ mới” – TS Dung trao đổi.
Minh Phong (ghi)